Ngay trung tâm Tel Aviv, Do Thái, có một trường với các em từ 48 quốc gia khác nhau và thuộc thành phần đa dạng đến với nhau để học. Nhiều học sinh này đến trường Bialik-Rogozin để trốn sự nghèo đói, tai hoạ chính trị, và ngay cả sự diệt chủng. Vào thứ Hai, 5 tháng Mười Một, cựu hiệu trưởng trường này đã đến HISD để chia sẻ câu chuyện bên trong của trường và để nghe biết về những thử thách mà học sinh tị nạn HISD phải đối diện.
Bà Karen Tal, người thắng giải Oscar 2011 vì tài liệu ngắn Strangers No More, nói, “Bất kể các em từ đâu đến, các em đều muốn và cần cùng một điều. Các em muốn được chấp nhận và muốn trở nên một phần của xã hội.”
Bà Tal nói chuyện với một nhóm nhà lãnh đạo học khu và cộng đồng khi đến thăm trường Las Americas Newcomers School của HISD, trong đó có học sinh từ 32 quốc gia khác nhau. Chín năm trước, trường HISD này chính yếu dành cho học sinh Mễ, không nói được tiếng Anh. Bây giờ, vì làn sóng tị nạn định cư ở Houston, trường này có trẻ em từ khắp nơi trên thế giới nói 29 ngôn ngữ khác nhau.
“Cũng như bà Karen Tal, chúng ta cần thay đổi ý nghĩ và không chỉ dậy những học sinh này tiếng Anh,” Marie Moreno, Hiệu Trưởng của Las Americas nói. “Chúng tôi thực sự nhắm đến toàn thể con người học sinh và điều đó bao gồm các nhu cầu về cảm xúc và xã hội cũng như những thách đố mà các em phải đối diện khi đến một quốc gia mới.”
Moreno, Tal, Shirn Hermon từ Sở Đa Ngữ của HISD, và Nicole Ellis từ tổ chức Partnership for the Advancement and Immersion of Refugees còn tham dự cuộc hội thảo nhóm về những thách đố khi giáo dục học sinh tị nạn.
Herman nói, “Các trường của chúng tôi đối phó với cùng nhiều loại vấn đề về giáo dục và khoảng cách trong nhiều lãnh vực. Cũng có những vấn đề văn hoá có thể ảnh hưởng đến giáo dục.”
Ellis nói, “Đó là một nỗ lực nhóm để giáo dục và xã hội hoá những trẻ này và thêm sự giúp đỡ của cộng đồng thì chúng tôi lại càng tốt hơn. Trường Las Americas đã dành nhiều thời gian để xây dựng sự tương giao với chúng tôi và với các gia đình học sinh.”