Cho phép con em được vào Internet và giúp chúng an toàn, đó là điều có thể rắc rối. Sau đây là chín lời khuyên để giúp quý vị loại bỏ tất cả.
Theo dõi con em đang làm gì trong các trang truyền thông xã hội
Facebook, Instagram, Twitter, hay cả ba? Hãy tìm hiểu xem con em đang sử dụng trang nào, và sau đó tự mình tìm hiểu cách sử dụng. Hãy biết chắc là chúng chấp nhận lời yêu cầu “làm quen” của quý vị để có thể theo dõi những gì chúng đưa lên, hình ảnh, và ai là “bạn” của con em. Hãy nhớ rằng, các em rất thành thạo kỹ thuật và có thể ngăn cản quý vị không được thấy một số hình ảnh nào đó, cũng như tên chúng bạn (xem phần quản lý sự riêng tư ở bên dưới). Một phần của điều kiện để cho phép chúng sử dụng truyền thông xã hội là chúng không thể cấm quý vị xem bất cứ bài nào trong trang của chúng.
Dậy con về tầm quan trọng của thanh danh trên mạng
Hầu như các em không hiểu rằng những gì các em đưa trên mạng sẽ ở trên đó mãi. Sau khi điều gì đó xuất hiện qua các trang truyền thông xã hội và màn ảnh điện thoại, không cách gì có thể ngăn cản ai đó tải xuống và chia sẻ với người khác. Một quy tắc là – nếu các em không muốn cha mẹ, ông bà nhìn thấy điều đó thì đừng đưa lên.
Kiểm soát sự riêng tư
Nhiều trang truyền thông xã hội cho phép người sử dụng có thể gạn lọc các phần tử nào có thể xem trang của họ. Facebook sẽ cho phép quý vị giới hạn việc xem xét nội dung cho thân hữu mà thôi, và Twitter cho phép bảo vệ những “Tweet”, như thế ai không theo dõi quý vị thì không thể đọc được những gì quý vị đăng lên. Hãy biết chắc là con em quý vị chỉ cho phép những người mà chúng biết được xem nội dung. Và hãy nhớ rằng – những “thân hữu” này vẫn có thể chia sẻ hay đăng lại nội dung.
Hãy biết chắc là con em quý vị không cho biết tin tức cá biệt
Hãy cảnh giác con em về việc chia sẻ thông tin và địa chỉ nhà, trường, số điện thoại, hay email của chúng cho người lạ. Cũng nhớ kiểm soát các hình ảnh đưa lên mạng thì không có các thông tin có thể thiệt hại cho con em, tỉ như địa chỉ hay bảng số xe. Và nếu con em quý vị tổ chức liên hoan, đừng để chúng đăng tải các chi tiết – điều này có thể tạo ra những khách lạ.
Giới hạn thời gian sử dụng smartphone và máy điện toán
Nếu quý vị đang trả tiền cho smartphone của con và/hoặc Internet, quý vị có thể kiểm soát cách chúng sử dụng. Hãy nhớ giới hạn số giờ chúng sử dụng để giao tiếp qua truyền thông xã hội, cũng như đặt giờ giới nghiêm trong thế giới thực.
Cấm con em không được gặp gỡ với những người chúng quen trên mạng
Hãy biết chắc là con em quý vị không bao giờ đồng ý gặp những người mà chúng quen trên mạng. Trong truyền thông xã hội, không cách chi để biết là người lạ nói thật về chính họ.
Thúc giục con em hãy cẩn thận về các nối kết, câu hỏi, cho không và tranh đua.
Có nhiều trò bịp bợm Internet khiến các em cho biết thông tin cá nhân. Hãy cảnh giác con em đừng bao giờ cho biết số thẻ tín dụng hay số chương mục ngân hàng mà không hỏi ý kiến quý vị trước.
Hãy đề phòng sự ức hiếp trên mạng (cyber-bullying).
Hãy thông báo cho trường ngay lập tức nếu con em cho biết chúng bị ức hiếp trên mạng. Hãy nhớ lưu lại hình ảnh của trang web (screengrab) với những lời hăm dọa để nộp cho trường hay nhân viên công lực.
Nói với con em về “sexting” và các hậu quả.
“Sexting” là chia sẻ các hình ảnh khiêu gợi, qua thư tín hay truyền thông xã hội. Trong các thiếu niên, hình ảnh “sexting” có thể được chia sẻ rộng và được dùng để tấn công, làm nhục hay ức hiếp những người có mặt trong hình. Các thiếu niên nào lấy, gửi, và lưu trữ hình ảnh khiêu gợi của các thiếu niên khác thì có thể bị kết tội khiêu dâm trẻ em và lạm dụng tình dục. Nạn nhân có thể bị đau khổ và xấu hổ lâu dài.
Nhớ thường xuyên liên lạc với con em
Nhiều em bị ức hiếp trên mạng thì không nói cho phụ huynh biết vì chúng sợ sẽ không được lên mạng. Nhiều trẻ em cũng không nói cho cha mẹ biết về những email hay những lời mời không được yêu cầu, nhất là những lời có bản chất tình dục. Hãy nhớ nói với con em rằng khi bất cứ điều gì xảy ra các em đều có thể nói với cha mẹ để chặn đứng ngay lập tức.