Trong tuần này, mục I am HISD, đề cập đến các học sinh, cựu học sinh, nhân viên, và các phần tử khác của học khu, cán sự xã hội trường Sugar Grove Academy là Elba Ruibal nói về lý do bà làm việc trong trường công, điều gì lôi cuốn bà đi từ một trường trung học II cấp sang khung cảnh trung học I cấp, và một trong những thử thách lớn nhất khi phục vụ học sinh di dân.
Hãy bắt đầu với một chút về quá khứ. Bà là một cán sự xã hội đã bao lâu rồi, và khi nào bà gia nhập Nhóm HISD?
Tôi từng làm việc xã hội khoảng 25 năm. Tôi khởi sự làm việc với những nạn nhân của bạo lực trong gia đình tại trung tâm Houston Area Women’s Shelter và ở đó hai năm rưỡi. Tôi còn làm việc trong bệnh viện phụ nữ và trẻ em ở San Antonio, trong phòng cấp cứu trẻ em. Tôi đến HISD năm năm trước, và ở trường Trung Học Westbury trong bốn năm. Đây là năm đầu tiên của tôi tại trường Sugar Grove.
Điều gì khiến bà quyết định đi vào giáo dục công cộng?
Khi tôi có con riêng, tôi muốn ở với cháu trong mùa hè. Nhưng tôi cũng phải đối phó với nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình ở bệnh viện, và tôi phải báo cáo sự ngược đãi đó cho sở Children’s Protective Services. Một khi các em rời khỏi phòng cấp cứu, tôi không bao giờ biết điều gì xảy ra cho các em, và những ý tưởng đó lẩn quẩn trong đầu. Nhưng trong khung cảnh trường học, tôi thấy các em đó hàng ngày và biết chúng còn sống. Tôi theo dõi, bảo đảm các em được an toàn, và trong những trường hợp rất tốt, tôi thấy các em được lành lặn.
Có lý do đặc biệt nào mà bà thuyên chuyển từ một trường trung học II cấp sang trung học I cấp không?
Có. Ở trung học II cấp, các em muốn vượt khỏi các ranh giới, muốn tự lập, nên có nhiều sự va chạm ở nhà. Một khi các em đến 17 tuổi, nhiều khi cha mẹ chúng nói, “Mày biết không? Tao đã xong việc. Mày muốn tự lập hả? Cứ tự nhiên.” Và các em không biết đi đâu. Những lựa chọn của chúng thật giới hạn. Ở trung học I cấp, vẫn có các phụ huynh như thế. Và tôi nghĩ, “Nếu mình đến với học sinh sớm hơn, có lẽ mình có thể giúp chúng trước khi đến độ như vậy.”
Vùng này từng thấy làn sóng người tị nạn từ các quốc gia tan nát vì chiến tranh. Tôi nghĩ một số em từng bị khủng hoảng bởi những gì chúng cảm nghiệm. Đâu là những thách đố khi phục vụ các học sinh này?
Thách đố lớn nhất của chúng tôi là giúp đỡ và giúp cảm em cảm thấy được chào đón. Tôi cố gắng nhìn đến các em đó hàng ngày, để các em biết rằng chúng tôi ở đây là vì các em.
Bà hiệu trưởng nói với tôi là một cán sự xã hội thường dừng ở đứa trẻ, nhưng bà đã đi xa hơn khi kiếm thực phảm, nơi ở, và quần áo. Bà ấy cũng nói là khi người khác nhìn thấy vấn đề kỷ luật thì bà lại thấy một diện khác, và bà rất giỏi khi biết nguồn gốc khó khăn vì bà đào sâu hơn. Tại sao lại như vậy?
Ồ, tôi không biết điều ấy (cười). Tôi chỉ liên lạc vì tôi thường làm việc trong một trung tâm tạm trú. Tôi muốn biết chắc là các gia đình có được những gì họ cần, về phương diện nhà ở và các dịch vụ khác, bởi vì nhiều người bị ngột ngạt. Đôi khi tôi viết thư thay cho gia đình họ, vì họ không biết cách kể lại câu chuyện hay không biết lèo lách thế nào.